Cá Bình tích loài cá cảnh dễ nuôi làm đẹp cho hồ thuỷ sinh.
Cá bình tích hay còn gọi là cá bình trà, cá trân châu, cá molly. Chúng dễ nuôi, hiền lành, có màu sắc rất phong phú và đa dạng mang lại vẻ đẹp thu hút và trở thành một trong những loại cá được nhiều người chơi cá cảnh thủy sinh thích nuôi nhất.
Để biết cách nuôi, các bạn hãy cùng tham khảo các đặc điểm, cách chăm sóc và sinh sản của loài cá này trong bài viết dưới đây nhé !
Các đặc điểm của cá Bình Tích
Cá Bình Tích có nguồn gốc từ các dòng sông chảy dài khu vực Trung Mỹ như Mexico và Colombia. Cá bình tích ban đầu chỉ có ba màu là trắng, đen, vàng. Sau nhiều năm phối giống và lai tạo đã cho ra hàng trăm loại với màu sắc khác nhau.
Chúng có kích thước nhỏ, con trưởng thành dài trung bình khoảng 4 – 5 cm là tối đa. Chúng sống theo đàn, sinh sản rất nhanh và nhiều, tính tình hiền lành và được nuôi làm cảnh.
Cá Bình Tích có miệng nhọn như hình mũi dao, cơ thể thon dài. Vây đuôi của chúng rất đặc biệt có nhiều hình dáng đa dạng như hình buồm, hình quạt, hình đuôi càng cua trông rất bắt mắt.
Cá cái có chiếc bụng tròn xệ xuống, cá đực có hình dáng vây và đuôi dài hơn, màu sắc cũng thu hút, nổi bật hơn cá mái.
Cách nuôi và chăm sóc cá
Cá bình tích được xem là dễ nuôi hơn các loài cá khác, nhưng để cá luôn khỏe mạnh và sống lâu thì các bạn cần chú ý và đảm bảo được những điều sau đây.
- Kích thước hồ tối thiểu: 30x15x15 cm.
- Nhiệt độ: từ 21 – 32 độ C.
- Độ pH từ 7 đến 8,2.
- Độ cứng: 20 – 35 dH.
Hãy trang bị thêm một máy lọc thác hay lọc vi sinh, nếu bạn đang nuôi cá trong hồ kính hoặc bể thuỷ sinh để giúp cải thiện chất lượng nước và tốt cho sức khoẻ của cá, kết hợp với một cây đèn kẹp để làm cho cá nổi bật hơn.
Trường hợp bạn nuôi trong chậu xi măng hoặc thùng xốp. Trung bình mỗi tuần có thể sử dụng ống để hút cặn và phân cá một lần là được. Đồng thời khi hút phân và cặn, bạn cũng tiến hành châm thêm nước vào bể. Mỗi lần có thể từ 30 – 40 % lượng nước trong hồ.
Bạn nên bổ sung thêm các loại cây thuỷ sinh đơn giản trong hồ nuôi, để thiết lập hệ sinh thái, giúp tạo môi trường tự nhiên và làm nơi ẩn nấp cho cá con khi mới đẻ, đặc biệt rong rêu, tảo bám trên các loại cây cũng là một nguồn thức ăn rất tốt cho loại cá này.
Thức ăn cho cá Bình tích
Cá bình tích là loài ăn tạp, chúng có thể ăn đa dạng các loại thức ăn. Từ các dạng thức ăn tươi như trùn chỉ, trùn huyết, lăng quăng, bobo, artemia,… Đến các loại thức ăn viên và cám tổng hợp dành cho cá cảnh chúng đều ăn được.
Cá bình tích ăn khá ít, chủ yếu là rong rêu, tảo sẽ giúp chúng dễ tiêu hóa. Bạn nên chia nhỏ bữa ăn cho cá và dùng một lượng thức ăn vừa đủ, để hạn chế thức ăn dư thừa làm ô nhiễm nước và gây bệnh cho cá.
Cách nuôi cá Bình tích sinh sản
Cá bình tích là một trong những loại cá dễ đẻ và đẻ nhiều nhất mỗi lần từ 20 – 40 con. Khi sắp đẻ thì bụng cá thường rất to, hậu môn đen, thích chui vào góc. Lúc này, cá khá nhạy cảm với nước mới, khi thay nước cá rất dễ đẻ.
Khi cá cái bụng to, sắp đẻ các bạn cần vớt ra một hồ riêng yên tĩnh, thoáng khí, không có bất kỳ điều gì tác động, nên bố trí thêm rong rêu để làm chỗ ẩn nấp cho cá con. Sau khi cá mẹ đẻ xong thì bạn lại phải vớt cá mẹ ra để tránh tình trạng một số cá mẹ ăn cá con.
Cá con sau khi sinh vài giờ là đã có thể tự bơi kiếm thức ăn. Thức ăn yêu thích của cá bình tích con là atemia, trùn chỉ, lăng quăng, bo bo,… đây là nhóm thức ăn tươi sống giúp cá lớn nhanh nhất. Ngoài ra, có thể cho ăn các loại thức ăn khô, nhưng cá sẽ chậm lớn hơn.
Khi cá đã lớn bằng một nữa kích thước cá bố mẹ thì có thể thả vào hồ nuôi chính. Lúc này không còn sợ cá bố mẹ ăn thịt nữa.
Trên đây là những thông tin chia sẻ về các đặc điểm, cách chăm sóc và sinh sản của loài cá bình tích này. Hãy thường xuyên theo dõi Bigsale Mua Sắm để nhận thêm những bài viết hay hữu ích về các loại cá cảnh thuỷ sinh nhé. Chúc các bạn thành công.