Cá Sọc Ngựa – Đặc điểm, cách nuôi, chăm sóc và sinh sản.
Cá sọc ngựa hay còn được gọi là cá ngựa vằn là một loại cá thủy sinh được nhiều người chơi ưa chuộng bởi màu sắc đẹp, đa dạng và có sức sống mãnh liệt nhất trong những loại cá cảnh nhỏ.
Hãy cùng Bigsale Mua Sắm tìm hiểu về các đặc điểm, cách nuôi, chăm sóc và sinh sản cùa loài cá này nhé !
Đặc điểm của cá sọc ngựa
Cá sọc ngựa (cá ngựa vằn) thuộc họ và bộ cá chép, phân bố chủ yếu ở Pakistan, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Philippines.
Sọc ngựa có nhiều màu riêng biệt với các màu sắc như xanh, đỏ, vàng, tím, đen, cam,… nhưng chủ yếu là xanh lá. Chúng dễ nuôi, rất khoẻ, ít bị bệnh và sống được ở nhiều điều kiện môi trường khác nhau nên việc chăm sóc khá dễ dàng.
Cá có thân hình mỏng, dẹp ở hai bên và chiều dài khoảng 1.5 – 5cm, chạy dài dọc hai bên thân là các sọc màu trắng hoặc vàng được xếp song song nhau. Thức ăn chủ yếu của chúng thường các loại giáp xác, côn trùng, động vật không xương sống, cám thái, trùn chỉ, artemia,…
Các loại cá sọc ngựa phổ biến
Sọc ngựa thường
Sọc ngựa thường là loại cá được vớt ở sông hồ đem về nuôi và nhân giống. Các loại cá sọc ngựa thường thì có sọc ngựa đỏ, sọc ngựa đen hoặc hồng.
Sọc ngựa dạ quang
Sọc ngựa dạ quang đẹp hơn cá sọc ngựa thường. Đây là loại cá được lai tạo và nhân giống để cho ra nhiều màu sắc khác nhau, đặc biệt chúng phát ra ánh dạ quang khi chiếu đèn màu vào.
Sọc ngựa cánh tiên vi dài
Sọc ngựa cánh tiên vi dài là loại cá đẹp nhất trong các loại cá sọc ngựa. Đặc điểm nhận dạng của loài cá này là vi cá dài, thân hình to đẹp, vây tay, vây bụng và đuôi rất dài, nhìn chúng bơi thực sự rất uyển chuyển và thướt tha.
Cách chăm sóc cá
Cá sọc ngựa là loài rất khoẻ, dễ sống, dễ đẻ, không cần nhiều oxy, chịu lạnh và nóng tốt, vậy nên bạn không cần phải quá lo lắng về chúng. Đây là loại cá sống theo bầy đàn nên nếu muốn nuôi thì bạn nên chuẩn bị một bể có kích thước đủ lớn và mua ít nhất 10 cặp cá về thả sẽ rất đẹp.
Không nên nuôi cá sọc ngựa chung với các dòng cá hung dữ khác, vì chúng có thể bị tấn công, bị rỉa vây hoặc rách đuôi, làm cá bị mất đi vẻ đẹp hoặc có thể yếu dần rồi chết. Đối với nuôi cá đẻ thì nên trang trí bể có các vật trang trí hoặc lớp cỏ dưới đáy để cá không ăn mất trứng.
Thức ăn của cá sọc ngựa
Cá sọc ngựa là loài ăn tạp, chúng có thể ăn bất cứ thức ăn nào vừa miệng. Mỗi ngày không cần cho chúng ăn quá nhiều, chỉ cần cho ăn 2 lần vào buổi sáng sớm và buổi chiều là được.
Thức ăn của cá là côn trùng nhỏ, ấu trùng, giun, tảo, tép, cám cá,… nên thường xuyên thay đổi khẩu vị của chúng bằng cách cho thêm những thức ăn tươi sống chứa nhiều dinh dưỡng như trùn chỉ, bobo, artemia,… để đảm bảo cá phát triển và sinh sản tốt, cũng như lên màu đẹp.
Phân biệt cá đực và cái
Sọc ngựa đực và cái khi chưa đủ lớn gần như khó để phân biệt. Tuy nhiên, khi trưởng thành cá đực có thân mảnh và vây dài hơn so với cá cái. Cá cái có bụng lớn và tròn hơn do mang trứng.
Cách nuôi cá sinh sản
Để ép cá đẻ bạn cần tách cá đực và cái ra khoảng 1 tuần sau đó mới ép đẻ được. Nên ép một cá đực với một đàn cá cái.
Sau khi tách được 1 tuần, bạn cần chuẩn bị một bể thủy sinh riêng không có lọc và trải dưới nền một lớp đá nham thạch, sỉ than hoặc trồng thêm rong la hán, rong đuôi chó để cá đẻ trứng. Nếu không có lớp trải này thì khi trứng rớt xuống, cá bố mẹ sẽ tìm lại trứng và ăn hết.
Quan sát khi ép, nếu thấy cá đực rượt cá cái thì có nghĩa là ngày hôm sau cá sẽ đẻ. Nếu thấy có các đốm đen bám trên rêu hoặc rớt dưới đáy bể là đã thành công. Lúc đó bạn cần ngay lập tức vớt cá bố mẹ ra.
Để khoảng 3 ngày trứng sẽ nở. Trong 3 ngày đầu, cá con sẽ không cần ăn do vẫn còn chất dinh dưỡng. Sau đó bạn có thể cho ăn artemia, bobo hoặc lòng đỏ trứng gà sẽ giúp cá lớn nhanh và lên màu đẹp hơn.
Trên đây là những kiến thức hữu ích giúp bạn hiểu rõ hơn về các đặc điểm, cách nuôi, chăm sóc và sinh sản của loài cá sọc ngựa. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm một lựa chọn tuyệt vời cho bể thuỷ sinh của mình. Chúc bạn có những giờ phút thư giãn thú vị bên bể cá cảnh nhé !