Nguồn gốc, ý nghĩa và biểu tượng đặc trưng của Tết Trung Thu

Nguồn gốc, ý nghĩa và biểu tượng đặc trưng của Tết Trung Thu.

Tết Trung Thu là lễ hội đặc sắc được diễn ra vào ngày 15/8 Âm lịch hàng năm. Thời điểm này vào giữa mùa thu và người xưa tin rằng đây là ngày trăng tròn, sáng và tươi đẹp nhất.

Đây là phút giây đoàn viên của mỗi gia đình, sum họp cùng ăn bánh, thưởng trà, ngắm trăng và cũng là dịp tết vui chơi của trẻ nhỏ cùng nhiều hoạt động thú vị với không khí múa lân rộn ràng, cùng ánh đèn lồng, chú Cuội, chị Hằng,…

Sau đây, hãy cùng Bigsale Mua Sắm tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và biểu tượng đặc trưng của Tết Trung Thu có từ lâu đời nhé !

Nguồn gốc ngày Tết Trung Thu

Nguồn gốc Tết Trung Thu

Tết Trung Thu là ngày giữa mùa thu, tức là vào rằm (ngày 15) tháng Tám âm lịch. Ở Việt Nam không có sử liệu nào nói rõ về gốc tích, cũng như không biết có tự bao giờ. 

Theo tích xưa, Tết Trung Thu bắt đầu từ đời nhà Ðường, niên hiệu Văn Minh, thời vua Duệ Tôn. Tương truyền vua gặp một vị tiên trong lốt một ông lão đầu bạc phơ như tuyết.

Vị tiên hóa phép tạo một chiếc cầu vồng và nhà vua trèo lên đi đến cung trăng, dạo chơi nơi cung Quảng. Trở về trần thế, nhà vua luyến tiếc cảnh đẹp cung trăng và đặt ra tết Trung thu.

Sau đó, ngày Tết này du nhập vào Việt Nam. Trong ngày Tết Trung Thu người ta bày cỗ với bánh trái hình mặt trăng, treo đèn kết hoa, trẻ em có những cuộc rước đèn, nhảy múa ca hát, múa lân rất tưng bừng.

Ý nghĩa ngày Tết Trung Thu

Ý nghĩa ngày Tết Trung Thu

Hình ảnh trăng tròn tháng 8 trở thành biểu tượng của sự sum họp gia đình và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên. Trong ngày này, tất cả thành viên gia đình đều mong muốn quây quần bên nhau, để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên, ăn bánh, uống trà, ngắm trăng.

Đây cũng là dịp bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đến ông bà tổ tiên, vừa là thời điểm thích hợp để cầu mong cho vụ mùa sắp tới bội thu, thắng lợi.

Ngoài ra, Tết Trung thu còn là dịp để người xưa ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó dự báo một mùa tằm tơ tốt đẹp, nếu trăng màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai và nếu trăng màu cam thì đất nước càng thịnh vượng.

Biểu tượng đặc trưng của ngày Tết Trung Thu

1/ Mặt trăng

Mặt trăng

Ánh trăng đêm Rằm khác hẳn so với ngày thường, to, tròn và rất sáng. Trong nhà, mọi người chuẩn bị làm cỗ cúng gia tiên rồi bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. Dưới vầng sáng ấy, người lớn trò chuyện, ngắm trăng, trẻ em rước đèn, ca hát, phá cỗ linh đình.

Dưới ánh trăng sáng, mọi người cầu mong cuộc sống tốt lành, mùa màng bội thu và sự đoàn viên gia đình. Vì vậy hình ảnh trăng vàng tròn gợi đến sự sung túc, đủ đầy, cuộc sống ấm no.

2/ Bánh trung thu

Bánh tết trung thu

Chiếc bánh dẻo, hình tròn thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn và trắng ngà trong biểu tượng ý nghĩa “đoàn viên gia đình”. Còn bánh nướng có vị mặn ngọt, cũng là hương vị của cuộc sống dù gian nan, vất vả nhưng mọi người vẫn sát cánh bên nhau, chia sẻ và yêu thương nhau.

Vì vậy, hình ảnh bánh trung thu chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn về giá trị cuộc sống tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi, lắng đọng và mang lại nhiều cảm xúc cho mọi người.

3/ Đèn Trung Thu

Đèn Trung Thu

Nói đến tết trung thu, điều khiến trẻ em thích thú hơn cả là được nối đuôi nhau đi rước đèn. Những chiếc đèn ông sao, đèn lồng đủ màu sắc luôn khiến các em thao thức từ 2-3 đêm trước.

Hình ảnh từng đoàn dài trẻ em trên tay là chiếc đèn Trung thu nhiều màu sắc sặc sỡ, kéo nhau đi quanh ngõ xóm, phố phường, vừa đi vừa hát bài ‘Rước đèn tháng Tám’ khiến đêm rằm thêm tưng bừng và nhộn nhịp.

Những chiếc đèn rực rỡ như thắp lên hy vọng, niềm tin và sự lạc quan về tương lai tươi sáng. Đặc biệt với các em nhỏ, đó là sự khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp đang chờ đợi phía trước.

4/ Múa lân

Múa lân

Múa lân là hoạt động truyền thống thú vị trong ngày Tết Trung Thu. Những đoàn múa lân kéo nhau khắp ngõ ngách phố phường, tiếng chiêng trống khua inh ỏi và hình ảnh chú lân màu sắc sặc sỡ theo sau bởi đoàn người khiến ai cũng vui vẻ, phấn khởi, hòa cùng không khí ngày Rằm.

Theo dân gian, hình ảnh con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà. Đó cũng chính là niềm mong ước lớn nhất của tất cả mọi người trong đêm trăng Rằm.

5/ Chị Hằng

Chị Hằng

Hình ảnh chị Hằng, chú Cuội, ông trăng là những chi tiết mang tính biểu tượng cao về Trung thu, thể hiện khát vọng của mọi người về một cuộc sống yên bình, hòa thuận, hạnh phúc.

Dân gian tương truyền có một người thiếu nữ tên là Hằng Nga hóa thân thành tiên nữ sống ở cung trăng. Vì vậy phải cầu xin Hằng Nga tốt bụng ban bình an và may mắn cho người dân. Từ đó, phong tục “bái nguyệt” ra đời vào Tết Trung Thu, được truyền đi rộng rãi trong dân gian.

Video Nguồn gốc và Ý nghĩa Tết Trung Thu

Trên đây là những biểu tượng đặc trưng gắn liền với ngày Tết Trung Thu ở Việt Nam mà ắt hẳn ai cũng cảm thấy vô cùng quen thuộc. Trung thu năm nay đang cận kề, hy vọng sau khi đọc qua bài viết này, bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn về nguồn gốc ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu này nhé !

Để lại một bình luận